Đội chữa cháy bằng xe ba gác

Đội chữa cháy bằng xe ba gác

Ngày đăng: 04/12/2023 09:54 PM

    Họ chia thành hai hướng, một đến trạm y tế xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, lấy xe cứu hỏa, số còn lại ra thẳng hiện trường. Khoảng hai phút sau, chiếc xe ba gác được trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy tiến sâu vào con ngõ nhỏ. Máy phát được khởi động, vòi phun nước chĩa thẳng vào đám cháy. Một số người khác dùng bình cứu hỏa cầm tay dập lửa. Ngọn lửa bị khống chế khoảng ba phút sau đó.

    Đây là buổi diễn tập tổ chức hai lần mỗi tháng của Tổ phòng cháy chữa cháy thôn Sen. "Tình huống giả định liên tục được triển khai để thành viên trong đội có thực hành các kiến thức và kỹ năng chữa cháy đã học, bà con trong thôn không lơ là cảnh giác", đội trưởng Phan Văn Dũng (47 tuổi) nói.

    Một trong những tình huống giả định khi xảy ra hỏa hoạn trên địa bàn được Tổ phòng cháy chữa cháy của thôn Sen thực hiện, đầu năm 2023. Ảnh: Tổ PCCC thôn Sen

    Một trong những lần diễn tập khi xảy ra hỏa hoạn trên địa bàn được Tổ phòng cháy chữa cháy của thôn Sen thực hiện, đầu năm 2023. Ảnh: Tổ PCCC thôn Sen

    Anh Dũng kể trước những năm 2018, trung bình mỗi năm làng nghề Hữu Bằng xảy ra 5-10 vụ cháy. Không ít trường hợp cháy lan, thiêu rụi nhiều nhà xưởng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng bởi toàn xã có hơn 4.000 xưởng mộc, chiếm 75% tổng số hộ. Trong khi đó, nơi tập kết xe cứu hỏa của huyện cách địa bàn khoảng 6 km, mất tối thiểu 15-30 phút mới tiếp cận được hiện trường.

    Chứng kiến nhiều cảnh tài sản bị thiêu rụi do không được ngăn chặn sớm, bản thân cũng là chủ một xưởng gỗ, năm 2016, anh Dũng cùng một số chủ xưởng khác nảy ý định thành lập đội cứu hỏa cơ sở. Họ mua máy phun nước di động, dây nối vào bể chứa nước ngầm của từng hộ gia đình, phòng hỏa hoạn.

    Cùng lúc, anh viết đơn xin chính quyền xã cho làm bể nước ngầm kiên cố, sức chứa 5.000-6.000 lít, dưới trục đường làng, phục vụ việc chữa cháy, huy động kinh phí từ nhân dân. Đến nay thôn Sen có ba bể ngầm lớn, thường xuyên được kiểm tra, đảm bảo luôn đầy nước.

    Năm 2021, các thành viên trong đội chữa cháy thôn Sen tiếp tục đề xuất với huyện Thạch Thất cho xây dựng mô hình hoán cải xe ba gác chở hàng của người dân thành xe chữa cháy lưu động, bề ngang 1,3 m, dài gần 4 m. Trên xe có đặt một téc nước dung tích 1.200 lít, trang bị máy bơm công suất lớn, hệ thống lăng vòi cùng dụng cụ cứu nạn như kìm, kẹp để phá khóa, đồ bảo hộ. Kinh phí đầu tư cho mỗi xe chữa cháy hơn 100 triệu đồng, được lấy từ nguồn vốn đóng góp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ở thôn.

    "Làng nghề nhiều ngõ nhỏ, lối vào hẹp, xe chữa cháy to không thể tiếp cận nếu đám cháy phát sinh ở sâu trong khu dân cư, chỉ có xe ba gác là dễ luồn lách. Mất một, hai phút đã có thể tiếp cận hiện trường", anh Dũng giải thích.

    Bên cạnh đó, thành viên của Tổ chữa cháy cũng tham gia các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ theo quy chuẩn, dưới sự hướng dẫn của cán bộ PCCC huyện.

    Một vụ cháy trên địa bàn xã Hữu Bằng được đội PCCC chuyên nghiệp của huyện Thạch Thất và Tổ xe ba gác PCCC của thôn Sen tiến hành khống chế, tháng 11/2022. Ảnh: Tổ PCCC thôn Sen

    Một vụ cháy trên địa bàn xã Hữu Bằng được đội PCCC chuyên nghiệp của huyện Thạch Thất và Tổ xe ba gác PCCC của thôn Sen tiến hành khống chế, tháng 11/2022. Ảnh: Tổ PCCC thôn Sen

    Hiện, Đội PCCC lưu động thôn Sen có 10 người, độ tuổi 30-60, đều là chủ các doanh nghiệp đồ gỗ. Mỗi khi nhận thông tin hỏa hoạn trong nhóm chat, các thành viên chủ động nhận nhiệm vụ và phối hợp thực hiện.

    Ông Phan Lạc Sang (64 tuổi), trưởng thôn Sen kiêm thành viên của Tổ PCCC, cho biết thôn là nơi đầu tiên nảy ý định lập đội chữa cháy của xã Hữu Bằng. Từ khi thành lập đội đến nay, địa bàn gần không xảy ra các vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về tài sản bởi được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Thấy hiệu quả, ba trong tổng số 9 thôn của xã gồm thôn Đông, Bàn Giữa và Miếu đến học hỏi mô hình và áp dụng.

    "Ngoài nhiệm vụ đảm bảo PCCC khu vực, trong các tình huống khẩn cấp các thôn cũng kết hợp chi viện, hỗ trợ lẫn nhau", ông Sang nói.

    Ông Phan Lạc Sang lái xe ga bác được thiết kế chở các thiết bị chữa cháy chuyên dụng ra sân trạm y tế xã Hữu Bằng kiểm tra, bảo dưỡng, cuối tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

    Ông Phan Lạc Sang lái xe ga bác được thiết kế chở các thiết bị chữa cháy chuyên dụng ra sân trạm y tế xã Hữu Bằng kiểm tra, bảo dưỡng, cuối tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

    Thấy các thành viên trong đội không ngại hiểm nguy xông vào đám cháy dập lửa, một số người khuyên chỉ nên dập lửa bên ngoài, không nên mạo hiểm lao vào trong bởi đó là nhiệm vụ của lính cứu hỏa, nhưng anh Dũng, ông Sang từ chối.

    "Nếu chúng tôi không làm, không kịp ngăn lửa trong thời điểm vàng (3-5 phút đầu) thiệt hại khó có thể lường trước. Việc tôi làm không chỉ để giúp bà con, mà còn giúp chính mình. Nhưng trong quá trình thực hiện, cả đội đều tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn đã được huấn luyện", anh Dũng nói.

    Bà Thanh Mai, người dân sống tại thôn Sen, cho biết từ ngày lập Tổ PCCC của thôn, tình trạng cháy nổ gần như không còn. Người dân cũng hết cảnh sống trong lo sợ, bởi biết luôn được bảo vệ.

    Nhắc về vụ cháy chung cư mini 10 tầng trên phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, đêm 12/9, anh Dũng cùng các thành viên trong Tổ không khỏi xót xa. Anh nói, giá như lúc đó có những chiếc xe ba gác PCCC kịp thời có mặt, ngăn chặn lửa lây lan trong những phút đầu tiên, việc thương tâm có thể không xảy ra.

    "Cuộc chiến với "giặc lửa" được tính bằng từng giây, nên càng nhanh, càng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thì càng có lợi", người đàn ông 47 tuổi nói.

    Video Player is loading.

    Hiện tại 0:03

    /

    Thời lượng 0:21

    Đã tải: 0%

    Tiến trình: 0%

     

    Một buổi diễn tập của các thành viên thuộc Tổ PCCC thôn Sen năm 2023. Nguồn: Tổ PCCC thôn Sen